Dưới góc độ pháp lý, M&A là một hoạt động đầu tư phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh… Chỉ rõ các quy định pháp lý áp dụng cho hoạt động M&A ở Việt Nam và các cam kết quốc tế liên quan tới M&A, bài viết này mang lại cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp góc nhìn tổng quát hơn về hoạt động này, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam.
Quy định pháp lý áp dụng cho hoạt động M&A ở Việt Nam
Pháp luật trong hoạt động M&A được hiểu là sự tổng hợp các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các bên tiến hành hoạt động M&A. Theo đó, pháp luật về M&A doanh nghiệp (DN) được quy định cụ thể tại một số văn bản quy phạm pháp luật sau:
M&A theo quy định của Luật Doanh nghiệp
Luật DN được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khoá XIII) ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Luật DN đưa ra khái niệm và trình tự thủ tục sáp nhập, hợp nhất, DN. Luật DN năm 2015 cũng xem xét M&A DN như hình thức tổ chức lại DN xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN. Mặc dù, chưa định nghĩa rõ ràng về M&A DN, song Luật DN đã quy định cụ thể về việc M&A đối với từng loại hình DN, cụ thể như:
– Chương 2, Điều 18 (Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN) chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, trừ trường hợp sau: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào DN để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Các đối tượng không được góp vốn vào DN theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
– Chương 3, đối với công ty TNHH, Điều 52 (Mua lại phần vốn góp) và Điều 53 (Chuyển nhượng phần vốn góp) đã quy định cụ thể về một số vấn đề liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH.
– Chương 5, đối với công ty cổ phần, Điều 125 (Bán cổ phần) và Điều 126 (Chuyển nhượng cổ phần) đã chỉ rõ HĐQT quyết định thời điểm, phương thức, giá bán cổ phần. Giá bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán, hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp đặc biệt. Điều 126 (Chuyển nhượng cổ phần) cũng chỉ rõ, cổ phần của DN cổ phần được tự do chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK)…
– Chương 9 cũng quy định cụ thể về một số vấn đề như: chia DN (Điều 192), tách DN (Điều 193), hợp nhất (Điều 194), thủ tục, hồ sơ, trình tự đăng ký DN nhận sáp nhập (Điều 195).
M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư
Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (khoá XIII) ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Luật Đầu tư năm 2015 thừa nhận 2 hình thức M&A, là sáp nhập và mua lại DN. Hoạt động M&A DN được coi là một trong những hình thức đầu tư trực tiếp. Việc mua lại DN có thể được thực hiện dưới hình thức mua lại một phần hoặc toàn bộ DN hoặc chi nhánh. Theo đó, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 24); Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 25 và Điều 26).
M&A doanh nghiệp theo quy định của Luật Cạnh tranh
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (khoá XIV) ngày 12/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 quy định các hình thức tập trung kinh tế bao gồm: Sáp nhập DN; Hợp nhất DN; Mua lại DN; Liên doanh giữa các DN; Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, sáp nhập DN là việc một hoặc một số DN chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một DN khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của DN bị sáp nhập. Hợp nhất DN là việc hai hoặc nhiều DN chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một DN mới; đồng thời, chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các DN bị hợp nhất.